Tăng thân khắp chốn
Sư cô Chân Trì Nghiêm
Sư cô Trì Nghiêm, người Thụy sĩ gốc Úc, xuất gia năm 2009 tại Làng Mai Pháp trong gia đình xuất gia Cây Sen Vàng. Sư cô nhận truyền đăng năm 2018 và hiện đang tu tập và phụng sự tại tu viện Mộc Lan, Mỹ. Tháng 8 năm 2023, sư cô Lực Nghiêm – từ Làng Mai Pháp – và sư cô Trì Nghiêm đã được mời tham dự Đại hội Tôn giáo Thế giới lần thứ 9 diễn ra tại Chicago, Mỹ. Trong bài viết này, sư cô Trì Nghiêm chia sẻ trải nghiệm tại Đại hội và ý nghĩa của nó đối với sư cô.
Đại hội Tôn giáo Thế giới là gì?
Đại hội Tôn giáo Thế giới (Parliament of the World’s Religions) là một hội nghị quốc tế của các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người thực tập tâm linh, những người phát nguyện xây dựng tình huynh đệ và kết nối đa văn hóa, liên tôn giáo để giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đem lại sự khoan dung, hòa bình, công bằng, và một thế giới bền vững hơn.
Đại hội Tôn giáo Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Chicago vào năm 1893, tạo ra một nền tảng toàn cầu cho sự đối thoại và dấn thân liên tôn. Đây là một sự kiện lịch sử được nhiều người coi là sự khởi đầu của phong trào Liên tôn hiện đại. Nhiều học giả cảm thấy rằng lời kêu gọi khoan dung tôn giáo của Swami Vivekananda, nhà lãnh đạo tôn giáo người Ấn Độ, tại sự kiện khai mạc này là nhân tố chính góp phần vào sự phát triển của các tôn giáo phương Đông ở phương Tây. Một trăm năm sau, vào năm 1993, Đại hội lần thứ hai cũng diễn ra ở Chicago. Sau đó, Đại hội đã được tổ chức vài năm một lần tại các thành phố khác nhau trên thế giới. Đại hội năm 2023 tại Chicago là hội nghị quốc tế lần thứ chín và có sự tham dự của hơn 8000 người từ hơn 95 quốc gia, đại diện cho hơn 200 tôn giáo và truyền thống tâm linh.
Thầy và Đại hội Tôn giáo Thế giới
Liên hệ giữa Làng Mai và Đại hội Tôn giáo Thế giới bắt đầu khi Thầy được mời tham dự Đại hội 1993. Trong hội nghị này, Thầy đã cùng các nhà lãnh đạo tâm linh nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, góp phần vào việc thành lập thể thức cho một nền đạo đức toàn cầuHướng đến một nền đạo đức toàn cầu: Tuyên bố ban đầu (Towards A Global Ethic: An Initial Declaration); parliamentofreligions.org/globalethic/ để tất cả các truyền thống tôn giáo, tâm linh, và “không tôn giáo” có thể áp dụng như một kim chỉ nam đạo đức.
Đại hội Tôn giáo có tác dụng như một lời nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người thực hành tâm linh về trách nhiệm ngăn chặn chiến tranh, chuyển hóa bạo động, áp bức và phân biệt đối xử trong chính họ và trong xã hội. Nhiều năm sau, trong Đại hội tại Melbourne, Úc, năm 2009, Thầy đã trình bày Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm như một phương thức khả thi và không mang tính tôn giáo cho một nền đạo đức toàn cầu.Bài chia sẻ của Thầy được truyền trực tuyến từ xóm Hạ, Làng Mai Pháp vào tháng 12 năm 2009.
Làng Mai tại Đại hội Tôn giáo 2023
Sư cô Lực Nghiêm và tôi được mời dự Đại hội bởi Viện Liên tôn ElijahViện Liên Tôn Elijah được thành lập vào năm 1997 bởi Giáo sĩ Tiến sĩ Alon Goshen-Gottstein, một trong những nhân vật hàng đầu thế giới về đối thoại liên tôn ngày nay., một hiệp hội quốc tế gồm các nhà lãnh đạo tâm linh và học giả, được thành lập năm 1997. Viện này chủ đạo việc thúc đẩy đối thoại liên tôn, xây dựng các mối giao hảo cũng như các sáng kiến liên quan đến việc cải thiện khí hậu, môi trường và công bằng xã hội.
Nhóm của chúng tôi – những khách mời của Viện Liên tôn Elijah – khá đa dạng với hơn 20 nhà lãnh đạo tâm linh và học giả có uy tín cao, đại diện cho Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo, Hồi giáo và các tôn giáo của Ấn Độ. Ngày nào nhóm cũng gặp nhau vào buổi sáng trong các buổi sinh hoạt chủ đề, thảo luận về vai trò của người thầy và người lãnh đạo tâm linh ngày nay, cũng như những thử thách họ gặp phải trong nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của mình. Buổi chiều chúng tôi được tự do tham dự các sinh hoạt chung của toàn Đại hội.
Chúng tôi được vinh dự chia sẻ giáo lý của Thầy và pháp môn Làng Mai với nhóm và rất hạnh phúc khi thấy chia sẻ của mình được tiếp nhận một cách tích cực. Trong Lễ Sám hối với Đất Mẹ tại Đại hội, tôi đã hướng dẫn phần Làm mới với Đất Mẹ. Trong sinh hoạt chung Tình huynh đệ liên tôn giáo, sư cô Lực Nghiêm nhấn mạnh rằng điều kiện cần để sự đối thoại có thể xảy ra là ta cần có tình thương trong trái tim mình. Sư cô cũng chia sẻ trải nghiệm về sự thực tập xây dựng tình huynh đệ liên tôn giáo của chính mình trong chuyến hành hương cho hòa bình đến vùng Ukraine bị chiến tranh tàn phá vào mùa xuân 2022.
Những gương mặt đáng nhớ
Tham gia cuộc họp mặt với Viện Liên tôn Elijah, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với một số nhân vật có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Liên tôn, trong đó nổi bật nhất là Karma Lekshe Tsomo, Ni sư Phật giáo Tây Tạng người Mỹ, đồng sáng lập của Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita và giám đốc sáng lập của Quỹ Jamyang, một tổ chức hỗ trợ giáo dục và sinh kế dành cho phụ nữ và các bé gái Phật tử ở khu vực Himalaya, Chittagong của Bangladesh và một vài nơi khác.
Ngoài ra còn có Norman Fischer, Thiền sư dòng Tào Động. Ông từng là đồng trụ trì của Trung tâm Thiền San Francisco và cũng là người sáng lập Tổ chức Thiền Nhật dụng; Amma Sri Karunamayi, một nhà lãnh đạo tinh thần Ấn Độ giáo được hàng triệu tín đồ yêu mến và tôn kính. Bà được coi là biểu hiện giác ngộ hoàn toàn của Vishnu, cũng là người đã đề xướng vô số đề án nhân đạo cung cấp các phương tiện giáo dục, thực phẩm, y tế và nhà ở cho người nghèo và người bị tước quyền thừa kế tại miền Nam Ấn Độ.
Những vị khách quý khác mà chúng tôi đã gặp còn có Maureen Goodman, người điều phối chương trình tại Trung tâm Quốc tế Brahma Kumaris, London, Anh; Marcia Hermansen, Giáo sư và Giám đốc Nghiên cứu Hồi giáo Quốc tế, thuộc Đại học Loyola Chicago, Mỹ; Giám mục Philip Huggins của Giáo hội Anh giáo Úc, Melbourne; Antje Jackelen, cựu Tổng Giám mục Thụy Điển; Feisal Abdul Rauf, giáo sĩ, tác giả và nhà hoạt động Sufi người Mỹ gốc Ai Cập, từng là lãnh đạo của nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Farah, New York trong 26 năm (1983 đến 2009); Jinwol Lee, Thiền sư Jogye của Phật giáo Hàn Quốc; Tổng Giám mục đương nhiệm của Nhà thờ Chính thống Ukraine ở miền tây Ukraine;
và một người không thể vắng mặt, đó là Giáo sĩ Tiến sĩ Alon Goshen-Gottstein, sáng lập viên và giám đốc của Viện Liên tôn Elijah, người đã mời tất cả chúng tôi đến Đại hội. Ông đã và đang tiếp tục công việc đem các nguồn ánh sáng tâm linh từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau. Có thể thấy đây là một nhóm rất đa dạng về văn hóa và tâm linh.
Thật cảm hứng khi chứng kiến sự tôn trọng lẫn nhau, sự thương mến và tình huynh đệ giữa những thành viên trong nhóm. Không ai cố gắng chứng tỏ cách của mình là hay nhất, là “số một”. Chỉ có sự tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau đối với thành tích của người khác, sự tin cậy và mong muốn học hỏi lẫn nhau mà thôi.
Chuyển hóa
Tại Đại hội, tôi đã được gặp gỡ rất nhiều nhà hoạt động dấn thân từ các truyền thống tâm linh và quốc gia khác nhau. Tôi có cơ hội tìm hiểu về công việc họ làm, các dự án và tầm nhìn về tương lai, những thử thách và thành công mà họ đã đi qua. Tôi được học hỏi về những điều đã truyền cảm hứng và giữ chân họ lâu dài trên con đường dấn thân của họ. Tất cả những điều ấy cho tôi một trải nghiệm vô cùng phong phú.
Nhờ đó mà tầm mắt và trí óc của tôi được mở rộng. Tôi nhận ra rằng chúng ta không đơn độc trên con đường này. Được cùng với hơn 8000 người thực hành tâm linh từ rất nhiều truyền thống tín ngưỡng khác nhau, tất cả đều hướng tới cùng một mục tiêu – khí hậu, môi trường, xã hội, công bằng giáo dục và nhân quyền – đã mang lại cho tôi hy vọng, cho tôi niềm tin ở tương lai.
Thầy đã nhiều lần nói về sự cần thiết của một sự thức tỉnh tập thể để cứu thế giới – hoặc ít nhất là làm chậm lại sự diệt vong của nó – và tôi đã hiểu lầm rằng đó là việc tôi cần làm, và nhiệm vụ của tăng thân Làng Mai, xuất sĩ và cư sĩ, là thực hiện điều ấy “một mình”.
Chẳng trách gì tôi đã từng cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và trên vai như có một gánh nặng quá sức! Ở Chicago, tôi nhận ra rằng có hàng trăm nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người đang nỗ lực hướng tới sự thức tỉnh tập thể mà thế giới rất cần để tồn tại. Chúng ta là một giọt nước trong một dòng sông lớn hơn nhiều. Trải nghiệm ở Hội nghị đã giúp tôi nhận ra suy nghĩ của mình mới hạn hẹp làm sao. Tôi chợt hiểu rằng người Phật tử không độc quyền về sự thức tỉnh tập thể: trí tuệ là trí tuệ, tuệ giác là tuệ giác, và tình thương là tình thương.
Những gì tôi chứng kiến ở Chicago là sự khoan dung giữa các tôn giáo, chế tác tình huynh đệ, đối thoại tôn giáo, ăn mừng sự đa dạng và tôn trọng lẫn nhau. Đây là nơi giúp tôi học nhìn những điểm tương đồng thay vì sự khác biệt. Đúng vậy, tất cả chúng ta có thể có màu da khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhau, được dìu dắt bởi những vị thầy và phương pháp thực hành tâm linh khác nhau – nhưng cốt lõi là tất cả chúng ta đều đang hướng tới một điểm chung: tìm phương thức trị liệu cho chính bản thân và cho đất Mẹ, chuyển hóa khổ đau, đồng thời nuôi lớn sự tỉnh thức, tình thương, tự do và lòng từ bi trong tự thân và giúp cho người khác cũng được như vậy.
Những điều đáng nhớ
Tham gia Lễ Sám hối với đất Mẹ do nhóm Liên tôn Elijah tổ chức, tôi nhận ra rằng phát tâm sám hối là điều rất cần thiết trong bất kỳ một quá trình trị liệu nào, trong đó có việc chữa lành mối liên hệ của chúng ta với trái đất. Sự thực tập này rất thiết yếu để giúp chúng ta tiếp xúc với nỗi đau buồn và mặc cảm tội lỗi về sự tàn phá mà chúng ta đã và đang tiếp tục gây ra cho đất Mẹ.
Nói chung, bước đầu tiên trong quá trình trị liệu và chuyển hóa là chúng ta cần nhận diện và ôm ấp nỗi đau buồn và mặc cảm ấy. Đối diện với những đau buồn, hối hận và những cảm thọ không dễ chịu khác, chúng ta có thể tự tha thứ cho những thiếu sót và hành động không hay mình đã làm trong quá khứ. Nhờ đó, tâm tư chúng ta sẽ nhẹ nhõm. Chúng ta sẽ biết nên hành động như thế nào cho đúng đắn, tìm kiếm các giải pháp bền vững và công bằng để đương đầu với các thử thách về khí hậu và môi trường hiện tại.
Trong Đại hội, chia sẻ pháp môn Thở chánh niệm và Làm mới với đất Mẹ do Thầy trao truyền, chúng tôi cảm thấy các pháp môn này đã chạm được đến trái tim của thính chúng quốc tế, đa văn hóa, đa tín ngưỡng, đa giới tính và đa chủng tộc này. Qua đó, chúng tôi tin rằng họ có thể mang tiếng chuông chánh niệm về địa phương mình. Phương pháp thực tập của Làng Mai rõ ràng đã được tiếp nhận và trân trọng. Đây là một điều vô cùng nuôi dưỡng chúng tôi.
Khi những vị lãnh đạo tâm linh khác trình bày các phương thức thúc đẩy công bằng chủng tộc, giới tính, dân tộc, xã hội, khí hậu và môi trường, sư cô Lực Nghiêm nói rằng dù làm bất cứ công tác nào, thắp sáng tình yêu thương trong tim của mỗi nhà hoạt động là điều cần thiết. Có thể nghe giọng nói nhẹ nhàng mà âm vang của Thầy rất sống động trong hội trường lúc ấy, vượt thoát không gian và thời gian.
Một nhóm phụ nữ Mỹ đủ mọi lứa tuổi và tín ngưỡng kể chuyện năm 2021 họ đã đến Afghanistan, một tháng sau khi Mỹ rút quân, để nói chuyện với quân Taliban về việc phụ nữ và các bé gái phải được quyền nhận một nền giáo dục, và việc bảo vệ các cơ sở giáo dục cho nhóm người này. Tôi rất kinh ngạc và ngưỡng mộ trước sức mạnh, sự quyết tâm, lòng can đảm và đức vô úy của những người phụ nữ này.
Chúng tôi cũng được dự buổi ra mắt bộ phim tài liệu With This Light (Với ánh sáng này) nói về di sản và cuộc đời của Xơ Maria Rosa Leggol, một vị nữ tu Công giáo ở Honduras, được mệnh danh là “Mẹ Teresa của Trung Mỹ”. Xơ đã cống hiến không mệt mỏi trong việc cung cấp giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, mang tình yêu và hy vọng tới cho các cô gái trẻ ở Honduras.
Xơ Maria Rosa là ngọn hải đăng của niềm hy vọng, niềm tin và niềm vui của những người nghèo khổ. Xơ là một tấm gương truyền cảm hứng để người ta thấy rằng khi một người phụ nữ có niềm tin, niềm vui và sự quyết tâm, người ấy có thể đạt được bất cứ điều gì. Không có gì là không thể làm được khi chúng ta có một con đường để đi và mang một tình thương rộng lớn trong tim.
Có rất nhiều sinh hoạt trong chương trình Đại hội liên quan đến quyền phụ nữ, văn hóa và dân tộc thiểu số, quyền và tiếng nói của người bản địa, công bình trái đất và khí hậu, các sáng kiến về chuyển đổi những thành kiến dựa trên giới tính trong các cộng đồng Cơ đốc giáo và các cộng đồng khác. Nhờ tham gia những sinh hoạt này mà tôi đã lấy lại được niềm tin vào vai trò lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo và tâm linh trong việc ứng phó với những vấn đề cấp thiết về xã hội, môi trường và giới tính cũng như những thay đổi chóng vánh trong xã hội ngày nay. Sự lưu tâm đặc biệt của các tổ chức tôn giáo đối với những vấn đề nêu trên thật sự là một luồng gió mát đầy cảm hứng. Nó cũng cho thấy họ sẵn sàng khám phá và tìm kiếm đối tác để cùng hoạt động.
Tăng thân khắp chốn
Tôi rời Đại hội, có cảm giác mình đã vượt ra khỏi rào cản văn hóa và tâm linh để giờ đây có thêm rất nhiều bè bạn. Bạn tâm linh không biên giới (Spiritual Friends without Borders), tương tự như tổ chức Bác sĩ không biên giới (Doctors without Borders), kết đoàn vì một mục đích chung. Những người bạn tâm linh của tôi không chỉ là Phật tử hay những người thực tập chánh niệm mà là tất cả những ai có một đường hướng tâm linh. Và những người như vậy là không đếm xuể. Cùng nhau, chúng ta có thể đem sự thay đổi đến cho thế giới. Quan niệm của tôi về tăng thân đã mở ra rất rộng đến không ngờ.
Yêu thương là ngôn ngữ gắn kết mọi người. Yêu thương và từ bi là thông điệp chung, là tiếng gọi chung của chúng ta. Chỉ có tình thương mới có thể chữa lành chúng ta. Chỉ có tình thương mới có thể cứu vãn tình hình của đất Mẹ. Để vun bồi yêu thương, chúng ta cần chữa lành chính mình và giúp cho người khác cũng được chữa lành. Tâm bình an cần được vun bồi tưới tẩm. Rất nhiều điều chúng ta đã huân tập cần được gột sạch để cho Phật tánh hiển lộ và chói sáng. Đây là một điều có thể thực hiện được nếu chúng ta có thể nắm tay nhau.